Ngỡ ngàng trước món Bánh Căn Phan Rang
Ai đã ghé Ninh Thuận hãy dành chút thời gian thưởng thức món bánh căn Phan Rang. Với cái “nắng như Phan, nắng như Rang” này lại có món ăn bình dị từ bột gạo, nhân hải sản tươi rói mang đậm phong cách người dân cùng biển, thêm chút chua chua của xoài ăn kèm, đặc biệt là nước chấm đặc trưng giúp xua tan thời tiết oi ả nơi đây, lại mang trong mình bề dày truyền thống thì chắc chắn sẽ khiến không ít thực khách phải ngỡ ngàng.
Đôi nét về bánh căn Phan Rang – món ăn đậm chất quê nhà
Thực chất bánh căn Phan Rang có tên là chuẩn là bánh căng. Cũng vì cái vẻ ngoài trắng mướt, núng nính, căng tròn mà có cái tên gọi như vậy.
Bánh căn là món cực kỳ đơn giản và dễ làm, không cần những nguyên liệu cầu kỳ, khó tìm kiếm, không cần phải qua nhiều công đoạn chế biến, chỉ cần một chút khéo tay là có thể cho ra lò những chiếc bánh ngon đầy sức cám dỗ như những cô gái miền xứ nắng Phan Rang.
Bánh căn khác bánh khọt như thế nào?
Có nhiều du khách khi thưởng thức đặc sản Ninh Thuận – bánh căn Phan Rang không khỏi thắc mắc vì bánh căn giống hệt bánh khọt. Đây thực chất là hai loại bánh khác nhau. Điểm chung là đều sử dụng bột gạo và tạo hình khá giống nhau.
Tuy nhiên bánh khọt dùng “bột gạo chiên” nên sẽ dầu mỡ, và khô hơn, bột pha bánh sẽ thêm nghệ, ăn kèm cùng rau sống, dưa leo, chấm nước mắm ngọt. Còn bánh căn dùng “bột gạo nướng” nên bánh sẽ không bị dầu, bánh ẩm, núng nính, ăn kèm cùng mắm nêm, nước mắm pha chua ngọt, nước mắm đậu phộng giã nhuyễn, nước cá kho…, thêm hành và xíu mại. Nếu nhân bánh khọt có tôm, bạch tuộc, mực sữa, sò điệp, … thì bánh căn lại dùng tôm, mực, trứng cút, bò là chủ yếu.
Khuôn đổ bánh khọt thường làm từ hợp kim, được tráng nhiều dầu mỡ nóng để khi bột chín, người ta có thể dễ dàng lấy bánh khỏi khuôn. Với cách chế biến này, bánh khọt mang đến thực khách cảm giác giòn rụm của viền bánh cháy cạnh, cũng như vị ngậy đặc trưng trong món ăn. Còn để đổ bánh căn, người ta dùng một lò đất nung, thân tròn, trên mặt lò có đặt các chén đất cạn đáy, có nắp đậy; phần thân lò để chứa than hồng, có lỗ thông gió, lúc đổ bánh không dùng dầu hoặc chỉ dùng một chút để tránh bị dầu mỡ, mang lại vị thanh ngọt cho món ăn truyền thống.
Cách làm bánh căn Phan Rang
Muốn có bánh căn ngon, người ta thường dùng loại gạo hạt tròn, loại gạo địa phương mà phải là gạo cũ càng tốt. Ngâm bột chừng vài giờ rồi đem đi xay. Khi xay bột, cần trộn thêm một ít cơm nguội phơi khô. Đó là bí quyết để cho bánh được giòn. Khi pha bột, chú ý không được loãng quá, cũng không được đặc quá. Vì bột loãng sẽ cho ra những cái bánh nhão nhoẹt, còn đặc quá thì bánh sẽ bị khê trước khi chín.
Điểm độc đáo là bánh căn được đổ bằng những khuôn đất, được chế tạo từ bàn tay tài hoa của những người thợ gốm Chăm Bàu Trúc. Mà có lẽ cũng chỉ ở Bàu Trúc, mới sản xuất ra những lò bánh căn mà thôi. Lò đất đổ bánh căn thường có từ 10 đến 12 khuôn và có nắp đậy. Khi lửa than đã hồng và các khuôn bánh nóng lên, đổ bột khoảng 2/3 khuôn và cho vào đó thịt, tôm, mực hoặc trứng tùy theo sở thích từng người. Bánh chín tới là bột đã trong, trên mặt bánh lấm tấm nhiều lỗ nhỏ, xung quanh viền bánh cong lên, bỏ ở trên mặt bánh một ít hành lá thái mịn rồi cạy bằng một cái nẹp mỏng, cuối cùng đặt trên một cái vĩ bằng tre để bánh giòn hơn. Người đổ bánh có kinh nghiệm là làm sao cái bánh khi cạy ra khỏi khuôn phải vừa giòn, vừa xốp lại vừa dẻo. Vỏ bánh khi cạy khỏi khuôn phải có màu vàng ươm không bị cháy khét. Có như thế thì cái bánh căn mới đạt yêu cầu.
bạn tìm hiểu thêm: thịt cừu Ninh Thuận
Riêng nước chấm của loại bánh này ở Phan Rang cũng khá đặc biệt. Người sành ăn thì sẽ pha trộn vào tô của mình cả bốn loại nước chấm gồm: nước mắm chua ngọt, mắm đậu phộng, mắm nêm và nước cá kho với dưa hồng. Nghe qua thấy bốn loại này chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng kỳ lạ thay khi kết hợp lại, nó mang một hương vị tuyệt vời mà dường như chỉ dành riêng cho bánh căn Phan Rang mà thôi.
Ăn bánh căn Phan Rang để cảm nhận được cái giòn tan của vỏ bánh, mềm mịn của lớp bột bên trong, cái béo ngọt của tôm, mực, thịt, trứng cùng mùi thơm, cay nhẹ của nước chấm hòa lẫn vị chua của xoài xanh băm nhỏ, một ít hành lá trộn chung tóp mỡ, rồi vừa nhâm nhi vừa húp nước. Đậm đà làm sao! Nó vừa mang hương vị của biển, chút béo ngậy của đậu phộng, chút mặn mà của nước cá kho hòa lẫn với vài miếng dưa hồng ngọt lịm, tất cả các vị ngon như quyện với nhau thật hoàn hảo, tuyệt đến nỗi khó mà cầm lòng.
Điểm qua một vài địa chỉ bánh căn Phan Rang nổi tiếng
- Chợ Nại Dư Khánh – Địa chỉ: Chợ Nại Dư Khánh – thôn Dư Khánh – thị trấn Khánh Hải – huyện Ninh Hải.
- Khu bánh căn, bánh xèo Ba Bồn (Biển Thái Bình Dương) – Địa chỉ: Vòng xoay Ba Bồn (Biển Thái Bình Dương) – thị trấn Khánh Hải – huyện Ninh Hải.
- Bánh căn Hồ Cá Phan Rang – Địa chỉ: số 80 đường Trần Quang Diệu – phường Thanh Sơn – thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
- Bánh căn, bánh xèo Vinh – Địa chỉ: ngã tư đường Yên Ninh – đường 16 tháng 4 – phường Văn Hải – thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
- Bánh căn, bánh xèo số 448 đường 21 tháng 8 – Địa chỉ: số 448 đường 21 tháng 8 – phường Phủ Hà – thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
- Bánh căn, bánh xèo đường Quang Trung – số 22 đường Quang Trung – phường Tấn Tài – thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
Có về Ninh Thuận đừng bỏ lỡ món ăn hương vị chân quê Bánh căn Phan Rang, có nếm thử mới biết được sự đậm đà của con người nơi xứ nắng gió này. Nếu là một thực khách đam mêm ẩm thực đừng quên đón đọc bài viết review món ăn địa phương từ Viet Nam Jour nha. Cùng chúng mình khám phá ẩm thực đa dạng phong phú của mảnh đất chữ S Việt Nam.
Đọc thêm: Mang theo 100k Ăn gì ở Phan Rang?