núi nhạn Phú Yên

Nỗi nhớ nhung của người con xứ Nẫu mang tên Núi Nhạn Phú Yên

Nỗi nhớ nhung của người con xứ Nẫu mang tên Núi Nhạn Phú Yên

“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

Trông về núi Nhạn mà yêu Tuy Hòa”

Núi Nhạn từ xưa đã là niềm tự hào của người dân xứ Nẫu, họ gửi gắm niềm yêu thương đó vào từng câu văn, bài thơ, ca dao, lời hát. Nên bất kể đi đâu, khi nhắc đến núi Nhạn cũng như nhắc đến mảnh đất Phú Yên Tuy Hòa. Theo chân Viet Nam Jour ghé thăm núi Nhạn Phú Yên, cái tên làm thổn thức biết bao con dân đất Phú.

Núi Nhạn Phú Yên
Núi Nhạn Phú Yên – vẻ đẹp thay cho nỗi lòng người con xa xứ

Đôi nét về Núi Nhạn Phú Yên

Núi Nhạn Phú Yên nằm bên bờ Bắc sông Đà Rằng, thuộc địa phận phường 1, Tp.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Núi Nhạn còn có tên gọi khác là núi Bảo Tháp hay Tháp Dinh. Núi cao 60 mét so với mặt nước biển, có đường chu vi quanh núi khoảng trên 1 km.

Những câu chuyện cổ về cái tên Núi Nhạn Phú Yên

Tên núi Nhạn hình thành do núi có hình thế như con chim nhạn xoè đôi cánh, với phần đầu là chỗ giao nhau giữa QL1A và sông Chùa, cổ thon nhỏ lại rồi phình to ra như đôi cánh chim ở phần đường Tản Đà. Luồng thông tin khác cho rằng, ngày xưa núi này như một cù lao nhỏ nằm trong vịnh Tuy Hoà, là nơi để loài chim nhạn làm tổ, trú ẩn. Sau này, vịnh dần dần được bồi lấp tạo nên đồng bằng rộng lớn nối liền cù lao Nhạn với đất liền.

Gợi ý cho bạn:  Tháp Bà Ponagar
Núi Nhạn Phú Yên
Tháp Nhạn nổi tiếng tại Núi Nhạn

Theo truyền thuyết, thuở xa xưa đất Tuy Hoà là một vùng đầm lầy trũng thấp, là nơi cư trú của nhiều loài thuỷ sinh và mãnh thú hung dữ. Đời sống của người dân luôn bị đe doạ. Và để tạo nên một cảnh sống mới, an toàn hơn về mọi mặt, một ngày kia người khổng lồ do Trời sai xuống gánh núi lấp đầy vùng trũng và lấn ra phía biển Đông. Thiên sứ khổng lồ kia miệt mài gánh đất và núi, làm rơi vãi từng cụm nhỏ ở núi Miếu (Hoà Quang) và gành Đá (Hoà Thắng)… và chẳng bao lâu thì lấp đầy cả cánh đồng Tuy Hoà bây giờ.

Núi Nhạn Phú Yên
Có ai mê vẻ đẹp cổ kính này không ?

Và vì Vị thiên sứ kia gắng làm cho xong để sớm trở về trời nên đã gánh núi nặng gấp hai ba lần, đến nỗi khi gần tới biển, chiếc đòn gánh gãy đôi làm rơi xuống hai cụm núi là núi Nhạn và Chóp Chài. Đòn gánh gãy đồng nghĩa với công việc “xẻ núi lấp sông” không thể tiếp tục được nữa và thiên sứ khổng lồ nọ đành ngậm ngùi quay về Trời, chưa tạo được những cụm núi chắn sóng ngoài mạn biển xa. Câu chuyện huyền thoại này được truyền tụng từ khá lâu và có nhiều chi tiết khác nhau, nhưng nội dung chính là hai hòn núi Chóp Chài và núi Nhạn là do người khổng lồ làm gãy đòn gánh mà rơi xuống.

Núi Nhạn Phú Yên có gì hấp dẫn

Vẻ đẹp núi rừng kỳ vĩ

Trên núi Nhạn có rất nhiều cây cối rậm rạp, đặc biệt là mai rừng nở vàng vào mùa xuân và mùa hạ, ở phía Đông-Nam gần sông Chùa có một trảng sim nhỏ, đến mùa hoa sim nở tím cả một vùng. Trên núi có nhiều loài chim như nhạn, cò và đặc biệt là rất nhiều khỉ. Mãi đến năm 1961, khỉ vẫn sống từng đàn trên núi này cho đến khi chiến tranh ác liệt nổ ra, quân đội Sài Gòn cho đóng đồn và đặt súng đại bác trên núi ngày đêm bắn phá các vùng căn cứ, yểm trợ cho các cuộc hành quân nên khỉ đã bỏ về rừng núi đại ngàn, chim chóc cũng di trú nơi khác, cây cối bị đốn chặt phát quang để phục vụ cho tầm quan sát quân sự.

Gợi ý cho bạn:  Hình như bạn đang tìm 1 Review biển Cà Ná chi tiết và có tâm?
Núi Nhạn Phú Yên
Núi Nhạn – Sông Đà Rằng đôi bạn thân ở bên nhau biết bao lâu nay, cũng là biểu tượng đặc sắc của mảnh đất Phú Yên

Đài ngắm nhìn Phú Yên tuyệt đẹp

Đứng ở độ cao 64 m trên đỉnh núi Nhạn Phú Yên, du khách có thể bao quát một vùng non nước Phú Yên với toàn cảnh thành phố Tuy Hoà, làng hoa Bình Ngọc, núi Đá Bia, biển Đông và hai chiếc Cầu đường sắt và đường bộ dài 1.100 m bắt song song qua sông Đà Rằng. Còn gì mãn nhãn hơn được hòa mình vào khung cảnh núi rừng kỹ vĩ, không khí trong lành, thõa mắt ngắm nhìn vẻ đẹp giao hòa của Phú Yên tại đỉnh núi Nhạn, trải nghiệm quý giá bạn nhất định không nên bỏ qua khí ghé thăm tháp Nhạn Phú Yên đâu nha.

Núi Nhạn Phú Yên
Ngắm cảnh sắc toàn bộ “xứ Nẫu” tại đài quan sát Núi Nhạn

Tháp Nhạn Phú Yên

Ngoài phong cảnh, khí hậu tuyệt vời, lên núi Nhạn Phú Yên, bạn sẽ được thăm ngôi tháp Nhạn cổ kính nằm trong quần thể di tích tháp Chăm ở Trung bộ. Tháp Nhạn nằm trên đỉnh núi Nhạn, được người Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ 12. Nhìn tổng thể, tháp Nhạn tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc của người Chăm ở vùng đất Phú Yên xưa. Với sự kết hợp hài hòa giữa vật liệu xây dựng, cùng với những đường nét kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc Chăm pa xưa, đã tạo cho tháp một dáng vẻ thanh thoát và tuyệt mỹ. Cho dù oằn mình trải qua bao nhiêu năm tháng đi chăng nữa, tháp Nhạn vẫn đứng uy nghi sừng sững như một nhân chứng sống cho lịch sử, lúc trầm mặc dưới mưa bay, khi thì rực rỡ trong ánh chiều tà, hay lại lung linh khi màn đêm buông xuống.

Gợi ý cho bạn:  Check-in Đồng cừu An Hòa Ninh Thuận – lạc vào trời Âu ngay trên đất Việt
Núi Nhạn Phú Yên
Ghé thăm Tháp Nhạn nghe những câu chuyện cổ Cham Pa

Đài tưởng niệm núi Nhạn Phú Yên

Bên cạnh tháp Nhạn còn có một công trình kiến trúc độc đáo nữa, đó là đài tưởng niệm. Đài tưởng niệm nằm bên con đường lên đỉnh núi, được khánh thành vào ngày 1.4.2007. Đây là một công trình văn hóa được chính quyền nhân dân Phú Yên đầu tư xây dựng công phu. Công trình gồm bảo tàng trưng bày ở bên dưới, phần trên có những mái thanh dọc màu trắng nhìn từ xa vừa như con sóng tung bọt, vừa như những cánh buồm no gió vươn ra khơi xa và cũng giống như những cánh chim nhạn tung bay.

Núi Nhạn Phú Yên
Vẻ đẹp lịch sử hào hùng tại Đài tưởng niệm Núi Nhạn

Ngày nay, cụm thắng cảnh núi Nhạn – sông Đà Rằng trở thành biểu tượng của Phú Yên và tháp Nhạn đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Du khách đến tham quan, đứng trên đỉnh núi có thể dễ dàng nhìn thấy toàn cảnh TP.Tuy Hòa với biển xanh, đồng lúa bạt ngàn, sông Đà Rằng soi bóng và xa xa là núi Chóp Chài hùng vĩ cao ngút, hay ngọn Đá Bia. Nếu bạn là người yêu thích tham dự những lễ hội văn hóa truyền thống ở nơi đây, tháng 1 – 2 là thời điểm vô cũng hợp lí với những hoạt động văn hóa nổi bật như:

  • Đua thuyền đầm Hồ Loan (7/1),
  • đua thuyền sông Đà Rằng (07/01),
  • Hội đua ngựa (08/01)

Sẽ khiến bạn càng thấy yêu hơn ngọn núi Nhạn Phú Yên này.

Tất cả những điều đó khiến núi Nhạn trở thành niềm yêu thương trong lòng người dân xứ Nẫu, nó tượng trưng cho sự thiên liêng của mỗi người con Phú Yên khi nhớ về đất mẹ. Ấy vậy mà các tín đồ du lịch của Viet Nam Jour nếu có dịp đến đây đừng quên ghé thăm núi Nhạn, để hiểu được tình yêu của người dân nơi đây, cảnh đẹp là để thõa mắt còn những tâm tư, tập tục người dân lại là những câu chuyện hay khó quên trong chuyến du lịch đến vùng đất mới. Chúc các bạn có một chuyến khám phá Phú Yên trọn vẹn.

Đoc thêm: 6 Bí kíp chinh phục Tháp Nhạn Phú Yên – nét đẹp lịch sử hòa quyện trong câu chuyện cổ Champa

Solverwp- WordPress Theme and Plugin